Góc nhìn tổng quan ngành thép năm 2020
Đánh giá về tổng quan ngành thép trong năm 2020, giới phân tích cho rằng, sức cạnh tranh gia tăng trong khoảng thời gian tới sẽ là bài kiểm tra với các doanh nghiệp ngành thép về thị phần, khả năng duy trì lợi nhuận và dòng tiền sau những bất ổn đã xảy ra.
Khó khăn kép của ngành thép
Đại dịch Covid-19 đã tấn công nhiều nơi trên toàn cầu trong vài tuần qua, áp lực kinh tế và thiếu nhu cầu hạ nguồn dẫn đến một loạt các đợt cắt giảm sản xuất lớn nhất và ngừng hoạt động kể từ năm 2015.
Ngành thép trong nước tiếp tục đối mặt thách thức do sự ngưng trệ các ngành sản xuất sử dụng thép công nghiệp xây dựng, hạ tầng cơ sở, ô tô, xe máy… và sức ép cạnh tranh từ việc gia tăng nguồn cung trong nước.
Trong bối cảnh thị trường ảm đạm toàn cầu nói chung, sản xuất và bán hàng các sản phẩm thép trong nước quý I/2020 có mức tăng trưởng âm lần lượt là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, loại trừ tăng trưởng của thép cuộn cán nóng (HRC) thì sản xuất giảm 4% trong khi bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, sản xuất thép các loại đạt hơn 5.728.408 tấn (giảm 6%), bán hàng thép các loại đạt 5.034.580 tấn (giảm 12,4%), xuất khẩu thép các loại đạt 1.024.908 tấn (giảm 21,3%) so với cùng kỳ quý I/2019.
Đối với thép xây dựng, lượng hàng xuất bán trong quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 ở mức 15% trong đó xuất khẩu giảm 14% và tiêu thụ nội địa giảm 16%. Trong tháng 3/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép đều giảm như quặng sắt giảm 6 USD/tấn; giá thép phế giảm khoảng 30 – 35 USD/tấn so với đầu tháng 02/2020; giá phôi thép Đông Nam Á giảm mạnh 40-50 USD/tấn. Giá bán thép trong nước hiện ở mức bình quân khoảng 11.000 – 11.400 đồng/kg tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể.
Tăng trưởng sau những biến động xã hội
Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động đến nhiều ngành sản xuất từ đầu năm đến nay, ngành sản xuất thép trong nước sau 10 tháng vẫn đang duy trì tốc độ tăng trưởng dương.
Ngành xây dựng đã tăng trưởng 4,5% trong 6 tháng đầu năm 2020, cao hơn đáng kể so với tăng trưởng GDP, chỉ 1,8%. Tiêu thụ tôn mạ nội địa tăng trưởng 6,5%, trong khi tiêu thụ thép xây dựng và ống thép nội địa giảm lần lượt 8,1% và 6,8%.
Ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch đối với ngành thép thể hiện qua các con số 6 tháng đầu năm như: toàn ngành (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) đã sản xuất được 8,1 triệu tấn thép, tiêu thụ được 7,8 triệu tấn, trong đó 1,4 triệu tấn được xuất khẩu, giảm lần lượt 6,4%, 7,0% và 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Biểu đồ thị phần thép xây dựng. Nguồn: Hiệp hội thép VN, VDSC tổng hợp
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) trong tháng 10 năm 2020, sản lượng thép thô ước đạt 3.371.000 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 800.000 tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 922.000 tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 0,1; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng lưu ý, mặc dù phụ thuộc vào xuất khẩu, tiêu thụ tôn mạ chỉ giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm thấp hơn đáng kể so với tiêu thụ ống thép, thép xây dựng.
Trong quý 2, tiêu thụ thép đã phục hồi đáng kể, mặc dù các hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Sản lượng bán thép xây dựng nội địa tăng 13,2% so với quý trước, và tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Tiêu thụ ống thép nội địa tăng trưởng tốt trong quý 2 khi tăng 43,6% so với quý trước và 6,5% so với cùng kỳ. Ngược lại, sản lượng xuất khẩu thép xây dựng, tôn mạ và ống thép tiếp tục giảm lần lượt 9,8%, 7,3% và 29,9% so với cùng kỳ.
Chờ đợi sự đổi mới thời gian tới
Dịch Covid-19 mặc dù tạo ra nhiều khó khăn song cũng là “phép thử” để doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần. Trong nửa cuối năm 2020, ngành thép được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thử thách bởi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế, thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của ngành thép bị gián đoạn. Tuy nhiên, cơ hội cũng đến khi ở thị trường trong nước, Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng hơn sau khi dỡ bỏ đóng cửa do Covid-19.
Dù xuất khẩu thép được dự báo vẫn chưa hết khó, song Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm thép Việt hiện diện rõ hơn ở thị trường này. Cơ hội của ngành thép Việt để xuất khẩu sang thị trường EU rất lớn, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ để đón nhận cơ hội này.
Trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng, xu hướng chiếm lĩnh thị phần trong mảng thép xây dựng có thể tăng tốc theo hướng có lợi cho các công ty lớn với lợi thế đáng kể về chi phí sản xuất, vận chuyển, và hệ thống phân phối.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ trên toàn thế giới, Việt Nam có thể gia hạn các mức thuế bảo hộ cho thép dài trong năm tới. Mức thuế hiện tại là 17,3% đối với phôi thép dài và 10,9% đối với thép xây dựng. Điều đáng chú ý là ngay cả trong trường hợp thuế không được gia hạn, áp lực từ Trung Quốc tăng không đáng kể, do giá thép hiện tại ở Trung Quốc không chênh lệch nhiều với giá thép ở Việt Nam.
Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép ở các công ty sản xuất lớn nhất thế giới, và có tác động gián tiếp đến giá thép trong nước ở Việt Nam. Theo Hiệp hội thép Việt Nam, nhu cầu thép ở Trung Quốc trong năm 2020 ước tính tăng 1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng ước tính là 7,8% trong năm 2019.
Do đó, tổng mức tăng trưởng nhu cầu thép thế giới ước tính đạt 1,7% trong năm 2020, giảm từ 3,9% trong năm 2019. Công suất tăng đáng kể trong khi nhu cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là thép xây dựng, có thể gia tăng sức ép cạnh tranh cho thị trường trong nước, và làm giá thép trong nước biến động mạnh hơn.